Trong không khí náo nức của những ngày đầu năm mới hôm nay, sau 69 năm trôi qua chúng ta lại được cùng nhau ôn lại những giây phút thiêng liêng của ngày truyền thống học sinh, sinh viên 09/01/1950 – 09/01/2019.
Hơn nửa thế kỉ qua, dưới ngọn cờ của Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, phong trào học sinh, sinh viên và tổ chức Hội sinh viên Việt Nam đã có những cống hiến xuất sắc và trưởng thành vượt bậc qua các thời kì lịch sử cách mạng, là niềm tự hào của thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh : … “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu..” trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường sau Cách mạng Tháng tám 1945 và các chủ trương của Đảng và nhà nước ta đã cổ vũ và đặt niềm tin tưởng lớn lao đối với sự phấn đấu học tập và rèn luyện của học sinh, sinh viên trong suốt mấy mươi năm qua.
Tự hào đối với các thế hệ học sinh, sinh viên là việc thành lập chi bộ Đảng đầu tiên và sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam, của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mà hầu hết Đảng viên, Đoàn viên đều là những đồng chí xuất thân từ học sinh, sinh viên như Trần Phú, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng,…
Phong trào sinh viên, học sinh từ Bắc chí Nam ngày một phát triển lớn mạnh, đặc biệt trong thắng lợi của Cách mạng Tháng tám 1945, các tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên đã góp phần xứng đáng với biết bao tấm gương anh dũng, kiên cường luôn được khắc ghi vào lịch sử dân tộc. Trong không khí sục sôi của cuộc khởi nghĩa Tháng Tám, Trần Văn Ơn một trụ cột của phong trào học sinh yêu nước của trường Pétrus Ký đang chuẩn bị thi tú tài thì ngày 23/11/1949, ở Sài Gòn nổ ra một cuộc bãi khóa của học sinh đòi trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt và mở lại trường học. Phong trào như một đám cháy lớn đã nhanh chóng lan ra các tỉnh Mỹ Tho, Cần Thơ và được học sinh, sinh viên Huế, Hà Nội hưởng ứng.
Sáng ngày 09-01-1950, Trần Văn Ơn đã dẫn đầu đoàn biểu tình với hàng trăm biểu ngữ, khẩu hiệu đòi quyền lợi cho học sinh, phản đối độc lập giả hiệu. Vào lúc 13 giờ, chính quyền Sài Gòn huy động một lực lượng lớn cảnh sát kết hợp với lính lê dương bao vây khu vực học sinh biểu tình. Một cuộc đàn áp đẫm máu diễn ra. Trần Văn Ơn đã dũng cảm đương đầu với dùi cui, che chở cho học sinh nhỏ tuổi và các nữ sinh thoát ra ngoài. Trước nguy cơ bị bắt, anh đã đạp đỗ hàng rào sắt hướng dẫn cho các bạn rút lui. Bọn địch nổ súng, Trần Văn Ơn đã anh dũng hy sinh. Sự hy sinh của Trần Văn Ơn đã gây nên một niềm xúc động lớn và một làn sóng phản đối mạnh mẽ trong học sinh, sinh viên và các tầng lớp đồng bào đô thị.
Ngày 12-01-1950, đám tang Trần Văn Ơn được cử hành trọng thể. Một biển người đông gần nửa triệu đã kết chặt hàng ngũ tiễn đưa người liệt sĩ trẻ tuổi về nơi an nghỉ cuối cùng. Đám tang Trần Văn Ơn, trong thực tế đã trở thành cuộc biểu dương lực lượng của đồng bào yêu nước Sài Gòn – Chợ Lớn, có giá trị làm thức tỉnh mạnh mẽ tinh thần dân tộc. Điếu văn của đại biểu học sinh, sinh viên có đoạn: “Chúng ta sẽ không bao giờ quên được ngày 09 tháng 01, ngày mà anh Ơn và các bạn học sinh, sinh viên đã vui lòng đem xương máu, sinh mạng của mình đổi lấy tự do cho các bạn bị giam cầm. Tinh thần bạn Trần Văn Ơn bất diệt!”.
Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến; “Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 02/1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 09/01 hàng năm làm ngày truyền thống học sinh – sinh viên”.
Trải qua … kỳ Đại Hội, với gần 69 năm thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, Hội sinh viên Việt Nam và phong trào học sinh, sinh viên vẫn luôn phát triển lớn mạnh, lấy mục tiêu rèn đức, luyện tài vì tương lai tươi sáng là phương châm để cổ vũ các thế hệ học sinh, sinh viên cống hiến, trưởng thành. Nhìn lại quá trình phát triển của phong trào học sinh, sinh viên và tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam, chúng ta có thể tự hào rằng: trong bất kì hoàn cảnh nào, học sinh, sinh viên Việt Nam luôn kế tục và phát huy những truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh, được Đảng và Nhà nước dày công bồi dưỡng.
Ghi nhận những cống hiến xuất sắc của các thế hệ học sinh, sinh viên và Hội sinh viên Việt Nam, ngày 29/12/1999, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Việt Nam đã tặng thưởng “Huân chương Độc lập hạng nhất” nhân kỉ niệm 50 năm ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội sinh viên Việt Nam. Cũng vào dịp này, Nhà nước ta đã truy tặng danh hiệu Anh hùng cho 3 liệt sỹ học sinh là Trần Văn Ơn, Đỗ Ngọc Thạch và Trần Bội Cơ.
Cùng với học sinh, sinh viên cả nước; phong trào học sinh, sinh viên trường Cao đẳng Bách khoa Nam Sài Gòn cũng không ngừng lớn mạnh và có bước trưởng thành. Phát huy tinh thần và sự hy sinh anh dũng của anh Trần Văn Ơn, người con của xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, Bến Tre. Trong suốt những năm qua, học sinh trường Cao đẳng Bách khoa Nam Sài Gòn đã luôn cần cù, chăm chỉ, vượt khó, học giỏi trong học tập, không những vậy các em học sinh còn tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ, phong trào thể dục thể thao… với kết quả học tập giỏi và đạo đức tốt các em xứng đáng trở thành những người con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.
Với những trọng tâm năm học này, đặc biệt là hưởng ứng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, cuộc vận động “Hai không”; “Chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”… Thay mặt các thầy cô giáo nhà trường tôi kêu gọi tất cả Đoàn viên, thanh niên trường Cao đẳng Bách khoa Nam Sài Gòn hãy ra sức thi đua học tập không ngừng, rèn luyện và bồi dưỡng đạo đức, lối sống lành mạnh, có lý tưởng đẹp và trong sáng, có hoài bão và ước mơ chiến thắng với tri thức, với khoa học và công nghệ, để kịp hoà mình vào dòng chảy liên tục của thế giới. Điều đó phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể trong từng giờ học, trong từng cử chỉ, động cơ học tập hằng ngày của mỗi học sinh; bằng sự tận dụng thời gian và những cơ hội quý báu để học tập, nghiên cứu khoa học để cùng nhau chung tay gìn giữ, vun đắp để những giá trị truyền thống tốt đẹp ấy mãi mãi trường tồn trong thế hệ mai sau. Góp phần đưa đất nước Việt Nam ta giàu mạnh – văn minh sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Bác Hồ kính yêu.